Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Công thức bán điện thoại Trung Quốc tại Việt Nam

Thị phần điện thoại smartphone thương hiệu Trung Quốc tại thị trường Việt Nam hơn ba năm trước mới nhiều hơn con số 0 (%) chút ít.

Nhưng nay, mọi thứ bậc đã thay đổi.

“Nội bộ” tranh hùng

So với Samsung, HTC, Nokia (trước khi bán lại cho Microsoft), LG…, thì thương hiệu điện thoại Trung Quốc Oppo cách đây 3 năm chỉ là một tân binh không tên tuổi. Tuy nhiên, tính đến tháng 6/2016, hãng này đã vươn lên chiếm xấp xỉ 22% thị phần điện thoại smartphone tại Việt Nam, theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường GFK.

Không chỉ Oppo, hiện một loạt các thương hiệu khác đến từ Trung Quốc như Huawei, Vivo, ZTE, Elephone, Gionee, Lenovo, TCL, Xiaomi, Oukitel, Coolpad… cũng có tham vọng tăng mạnh thị phần tại thị trường Việt Nam, khi miếng bánh được đánh giá còn nhiều tiềm năng.

Trong số trên, Huawei là một trường hợp đặc biệt. Đây không phải là cái tên xa lạ tại thị trường Việt Nam, khi đã có nhiều cung cấp hạ tầng viễn thông cho các nhà mạng, nhưng mảng điện thoại thì Huawei gần như vắng bóng.

Mặc dù tung sản phẩm ra thị trường cùng quãng thời gian với Oppo (gần cuối năm 2013), nhưng vì một số lý do “nhạy cảm vĩ mô” nên hãng này đã không làm truyền thông mạnh, vì thế, thương hiệu và doanh số bán ra đều ở vị thế thấp.

Mãi đến tháng 3/2016, Huawei mới thực sự bắt đầu cuộc đua. Ngoài việc ký hợp đồng với ca sỹ Mỹ Tâm làm đại sứ thương hiệu, hãng sẵn sàng “đổ tiền” vào marketing. Một nguồn tin cho VnEconomy hay, hãng này tính toán tuyển dụng và đào tạo khoảng 800 PG (nhân viên giới thiệu sản phẩm và bán hàng tại quầy) tại các điểm bán hàng của Huawei ở 5 thành phố lớn trong cả nước.

“Mục tiêu của chúng tôi đến cuối năm 2016 là chiếm 5% thị phần”, một đại diện Huawei cho biết.

Một trường hợp khác là Vivo - thương hiệu điện thoại mới nổi tại Trung Quốc. Vivo và Oppo, theo một số nguồn tin, là anh em một nhà, cùng một công ty mẹ, nhưng hoạt động độc lập với nhau. Vivo vào Việt Nam từ giữa năm nay và đến tháng 7, hãng này ký hợp đồng với nghệ sỹ Trấn Thành làm đại sứ thương hiệu.

Vivo dường như còn tham vọng hơn nhiều Huawei, khi đặt mục tiêu chiếm được 15-20% thị phần tại Việt Nam vào năm 2017.

Ngoài Huawei, Vivo và Oppo, loạt các thương hiệu kể trên cũng đặt cho mình những mục tiêu thị phần nhất định, ít là 3-5%, nhiều là trên dưới 10%, trong miếng bánh smartphone tại Việt Nam, báo hiệu cuộc đua nội bộ giữa các thương hiệu điện thoại đến từ Trung Quốc sẽ diễn ra khốc liệt.

Đại diện truyền thông của hệ thống bán lẻ CellphoneS, ông Nguyễn Lạc Huy, cho rằng, Oppo vào Việt Nam ở thời điểm tương đối may mắn, khi các tên tuổi như HTC, Sony, LG, Nokia… đang giảm sút, đặc biệt là Nokia, tạo nên một khoảng trống thị trường lớn.

Còn nay, theo ông Huy, trong một thị trường “quần ngư tranh thực”, để chiếm thị phần chỉ từ 5-7% cũng là vô cùng khó khăn, khắc nghiệt và phần thắng sẽ thuộc về người chạy được đường dài, có tiền và… chịu chơi trong lĩnh vực marketing, truyền thông.

Thị trường điện thoại Việt Nam, theo tính toán từ các hệ thống bán lẻ, có doanh số khoảng 60.000 tỷ đồng với khoảng 24 triệu điện thoại được bán ra một năm, trong đó, smartphone chiếm tới 90% về giá trị.


Giám đốc quản lý ngành hàng điện thoại của một hệ thống bán lẻ sản phẩm công nghệ ước đoán, tại Việt Nam, Samsung vẫn đang dẫn đầu với khoảng 35% thị phần, các thương hiệu đến từ Trung Quốc khoảng 25 - 30%, còn lại là các thương hiệu khác, trong đó có Apple.

Song theo ông, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, trong 2 - 3 năm tới, các thương hiệu đến từ Trung Quốc có khả năng sẽ chiếm tới 40-45% thị phần tại Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa, thị phần của các hãng khác có thể suy giảm đáng kể.

Chưa chạm ví khách giàu

Một công thức tương đối chung của các thương hiệu điện thoại Trung Quốc khi vào Việt Nam là: sản phẩm thiết kế trẻ trung/hoặc có chút cách tân + cấu hình cao (nhất là tập trung vào camera) + giá rẻ/phù hợp số đông (trung bình từ 4- dưới 10 triệu đồng).

Sau khi vào Việt Nam, các hãng này thường tìm cách ký hợp đồng với các nghệ sỹ nổi tiếng và có một lượng người hâm mộ khá lớn làm đại sứ thương hiệu, như Sơn Tùng, Trấn Thành, Mỹ Tâm…

Đại diện một hãng điện thoại Trung Quốc tuy không tiết lộ số tiền mà đơn vị mình trả cho một nghệ sỹ làm đại sứ thương hiệu, nhưng số tiền này theo ông là không nhỏ.

Công thức kế tiếp mà không ít hãng kể trên đang theo nhau áp dụng, là tăng chiết khấu cho đại lý và thưởng trực tiếp cho nhân viên bán hàng cả của hãng lẫn nhân viên của đại lý trên mỗi sản phẩm được bán ra. Với chính sách ưu đãi này, sản phẩm sẽ được các nhân viên bán hàng ưu tiên giới thiệu tới người dùng.

Giám đốc một hệ thống phân phối điện thoại cho rằng, với việc “vận dụng” khéo léo chiến lược làm marketing, truyền thông từ hình ảnh các đại sứ thương hiệu, các hãng điện thoại Trung Quốc đã và sẽ tìm cho mình được một lượng khách không nhỏ, chủ yếu đến từ hai nhóm chính, gồm học sinh - sinh viên và người tiêu dùng từ nông thôn.

Song cũng theo ông, những khách Việt đủ tiền mua điện thoại cao cấp của Apple hay Samsung thường hiếm khi mua điện thoại thương hiệu Trung Quốc.

Lấy ví dụ từ chính hệ thống bán lẻ của mình, vị này cho biết tỷ lệ mua các sản phẩm điện thoại thương hiệu của Trung Quốc chủ yếu là người dùng ở các tỉnh lẻ, vùng nông thôn, vùng xa, chiếm tới 60-70%, còn lại ở thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM… thì chủ yếu rơi vào nhóm học sinh sinh viên hoặc công nhân...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét