Theo Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam, khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 5 thành phố trên, không chỉ người dân tại 5 thành phố này mà người dân trên địa bàn thuộc 20 tỉnh lân cận cũng có điều kiện hưởng các lợi ích của truyền hình số mặt đất.
Theo đó, ước tính dân số thuộc địa bàn chuyển đổi theo giai đoạn 1 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chiếm gần 50% dân số cả nước.
Trong giai đoạn 1 của đề án, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích đã thực hiện hỗ trợ 460.232 hộ gia đình đủ điều kiện nằm trong vùng ảnh hưởng của việc tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương, đảm bảo 100% số hộ nghèo, cận nghèo tại Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ đủ điều kiện nhận hỗ trợ có đầu thu để xem truyền hình số mặt đất.
Ngoài số lượng hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương được Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ, Đà Nẵng còn hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho 5.043 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn của Đà Nẵng, Hà Nội hỗ trợ 12.018 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn của Hà Nội sử dụng truyền hình cáp.
Theo lộ trình của Đề án số hóa truyền hình, thời điểm tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất ở 26 tỉnh thuộc giai đoạn 2 là 31/12/2016. Tuy nhiên, theo Cục Tần số Vô tuyến điện, cần xem xét điều chỉnh việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất giai đoạn 2 tới tháng 7/2017.
Lý do điều chỉnh tới tháng 7, theo Cục Tần số Vô tuyến điện, là để đỡ gấp rút về thời gian, các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng có thêm thời gian mở rộng và nâng cấp vùng phủ sóng và Bộ cũng không bị động trong việc triển khai hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo.
Ngoài ra, trong số 26 tỉnh, thành phố thuộc giai đoạn 2 có nhiều tỉnh, nhiều khu vực có chất lượng phủ sóng truyền hình số chưa đồng đều do khó khăn trong triển khai hạ tầng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét